I. Hộ gia đình là gì?
Tại Khoản 29 Điều 3 Luật Đất đai 2013 quy định về hộ gia đình sử dụng đất cụ thể như sau:
“Hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất”
Theo đó, hộ gia đình được cấp Giấy chứng nhận ghi tên là “Hộ ông” hoặc “Hộ bà” khi có đủ các điều kiện sau:
– Các thành viên có quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống, quan hệ nuôi dưỡng
– Đang sống chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất.
– Có quyền sử dụng đất chung bằng các hình thức như: Cùng nhau đóng góp hoặc cùng nhau tạo lập để có quyền sử dụng đất chung hoặc được tặng cho chung, thừa kế chung,…
Trong Luật Đất đai 2013 đã nêu rõ điều kiện để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền tài sản gắn liền với đất cho hộ gia đình. Theo đó, không nhất thiết phải chung hộ khẩu mới có chung quyền sử dụng đất.
Tuy nhiên, trước khi Luật đất đai năm 2013 ra đời, Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định về hộ gia đình như sau: “Hộ gia đình mà các thành viên có tài sản chung, cùng đóng góp công sức để hoạt động kinh tế chung trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp hoặc một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác do pháp luật quy định là chủ thể khi tham gia quan hệ dân sự thuộc các lĩnh vực này”. Điều này ảnh hưởng đến việc đặt ra câu hỏi nhưng người con trong gia đình còn nhỏ, có đủ khả năng đóng góp công sức để có thể trở thành 1 trong những đồng sở hữu trong sổ đỏ hay không.
Bộ luật Dân sự năm 1995 quy định:
“1. Những hộ gia đình mà các thành viên có tài sản chung để hoạt động kinh tế chung trong quan hệ sử dụng đất, trong hoạt động sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp và trong một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác do pháp luật quy định, là chủ thể trong các quan hệ dân sự đó.
2. Những hộ gia đình mà đất ở được giao cho hộ cũng là chủ thể trong quan hệ dân sự liên quan đến đất ở đó.”
Do đó cần xác định rõ thời gian được nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình để áp dụng pháp luật phù hợp vì từng thời điểm khác nhau, pháp luật có quy định khác nhau.
II. Các trường hợp chia thừa kế nhà đất theo pháp luật
- Khoản 1 Điều 650 Bộ luật Dân sự 2015 quy định chia thừa kế theo pháp luật trong trường hợp sau:
– Không có di chúc.
– Di chúc không hợp pháp.
– Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
– Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
- Ngoài ra, thừa kế theo pháp luật cũng được áp dụng đối với các phần di sản là quyền sử dụng đất sau:
– Phần di sản không được định đoạt trong di chúc.
– Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật.
– Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
III. Người được hưởng thừa kế theo pháp luật
1. Căn cứ Điều 649 và Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015, người được hưởng thừa kế theo pháp luật là người thuộc diện thừa kế và hàng thừa kế.
– Diện thừa kế: Là người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng với người để lại di sản (quan hệ nuôi dưỡng là con nuôi, cha nuôi, mẹ nuôi,… và phải có quyết định đăng ký nhận con nuôi tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền chứ không phải là con nuôi theo hình thức tự nhận tại một số địa phương).
– Hàng thừa kế:
2. Khoản 1 Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 quy định hàng thừa kế theo thứ tự sau:
“a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.”
Lưu ý: Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản (theo khoản 3 Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015).
3. Cùng hàng thừa kế được hưởng phần di sản bằng nhau
Khoản 2 Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:
“Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.”
Như vậy nếu nhà đất được chia thừa kế theo pháp luật thì người thừa kế sẽ được hưởng phần di sản bằng nhau. Thực tế chủ yếu là người thuộc hàng thừa kế thứ nhất mới được nhận di sản, rất ít trường hợp người thuộc hàng thừa kế thứ hai hoặc thứ ba được nhận di sản thừa kế.
Chia thừa kế khi Sổ đỏ đứng tên hộ gia đình khác so với trường hợp nhà đất là tài sản chung của vợ chồng hoặc tài sản riêng của người chết ở chỗ phải xác định phần di sản trong khối tài sản chung là quyền sử dụng đất mà có Sổ đỏ, Sổ hồng được cấp cho hộ gia đình.
Lưu ý, trong quá trình chia di sản thừa kế, các đồng thừa kế có thể không nhận các phần bằng. Trường hợp có người góp công sức đóng góp tôn tạo tài sản, làm tăng giá trị tài sản thì sẽ được chia phần nhiều hơn.