Theo Khoản 24 Điều 3 Luật Đất đai 2013 quy định
Tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai. Tuy nhiên, để bảo vệ quyền và lợi ích tốt nhất cho bà con, cần xác định cụ thể tranh chấp đất đai để xác định thẩm quyền của cơ quan giải quyết tranh chấp, xác định thủ tục tố tụng, thời hạn khởi kiện và đối chiếu những quy định pháp luật liên quan.
Trên thực tế, tranh chấp về quyền sử dụng đất thông thường có các dạng tranh chấp cơ bản sau :
1. Tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất, tranh chấp về đòi lại đất do người khác đang quản lý, sử dụng
– Tranh chấp giữa hai hay nhiều bên đều cho rằng mình là người có quyền sử dụng đất đó,
– Tranh chấp giữa những người sử dụng với nhau về ranh giới giữa các vùng đất. Loại tranh chấp này thường do một bên tự ý thay đổi ranh giới hoặc hai bên không xác định được với nhau về ranh giới, một số trường hợp chiếm dụng diện tích đất của người khác.
– Tranh chấp đòi lại đất : đây là dạng tranh chấp đòi lại đất, đòi lại tài sản gắn liền với đất có nguồn gốc trước đây thuộc quyền sở hữu của họ hoặc người thân của họ.
2. Tranh chấp phát sinh từ các hợp đồng liên quan đến quyền sử dụng đất
Theo thuật ngữ pháp lý, đây là hợp đồng chuyển nhượng hoặc tặng cho quyền sử dụng đất, nhà ở và tài sản gắn liên với đất. Tuy nhiên để gần gũi với bà con, xin phép được sử dụng từ ngữ mà bà con thường sử dụng là hợp đồng mua bán nhà đất, hợp đồng tặng cho nhà đất …
Những tranh chấp này phát sinh thường do một bên không thực hiện nghĩa vụ của mình như không trả tiền, không giao nhà đất, không thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng cha mẹ khi được cha mẹ tặng cho nhà đất, …
Bên cạnh đó còn có các hợp đồng như hợp đồng cho thuê/cho thuê lại nhà, hợp đồng vay tiền mà tài sản đảm bảo là nhà và quyền sử dụng đất, hợp đồng cho thuê/cho thuê lại đất, hợp đồng góp vốn bằng quyền sử dụng đất,…
3. Tranh chấp phát sinh từ các quan hệ thừa kế quyền sử dụng đất
Khi một người mất đi, người đó sẽ để lại tài sản của mình cho người người thừa kế thông qua di chúc. Khi không có di chúc thì tài sản đó sẽ được phân chia theo pháp luật.
Thừa kế quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất là một tranh chấp phức tạp bị ảnh hưởng bởi quy định pháp luật của từng thời kỳ khác nhau, lịch sử hình thành nhà và đất trải qua hàng chục năm, công sức đóng góp của người đã mất và từng chủ thể khác, xác định chủ thể nào có quyền thừa kế, nếu nhà và đất là tài sản chung với người khác thì phải xác định phần tài sản của người đã mất, có người thừa kế từ chối nhận thừa kế hoặc chuyển phần thừa kế của mình cho người khác, ….
4. Các loại tranh chấp khác
Ngoài ra, còn các loại tranh chấp khác như :
– Tranh chấp quyền sử dụng đất trong trường hợp chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn.
– Tranh chấp về quyền, nghĩa vụ phát sinh trong quá trình sử dụng đất : tranh chấp về lối đi, tranh chấp quyền đối với bất đống sản liền kề, tranh chấp liên quan đến việc bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất,…